‘Cô Ba Sài Gòn’: Khi chiếc áo dài chỉ là câu chuyện của một tiệm may
Tham vọng của Ngô Thanh Vân
là “mang phim Việt ra nước ngoài”, nhưng “Cô Ba Sài Gòn” khó có thể làm
được điều đó dù nhiều khả năng sẽ thành công tại phòng vé.
Phải nói ngay rằng Cô Ba Sài Gòn là bộ phim hoàn chỉnh nhất
trong ba bộ phim dưới trướng của Ngô Thanh Vân, nơi cô vừa là nhà sản
xuất, diễn viên và có khi kiêm cả đạo diễn (Tấm Cám - Chuyện chưa kể).
Cả 3 đều có ý tưởng khá độc đáo, đề cao giá trị truyền thống dân tộc,
mang tính giải trí cao và có đầu tư trong khâu sản xuất.
Nhưng cả 3 - mà khá nhất là Cô Ba Sài Gòn - vẫn mắc những
điểm yếu cố hữu để có thể bật lên. Đó là nặng về ý tưởng nhưng nhẹ về
trọng lượng, chú trọng về hình thức nhưng sơ sài về nội dung, nhân vật
thường rơi vào minh họa và trở thành cái loa cho sự duy ý chí của biên
kịch và đạo diễn.
Cô Ba Sài Gòn có thể sẽ trở thành bộ phim thành công tại
phòng vé, nhưng sẽ khó đi xa hơn thế, nhất là với tham vọng mà Ngô Thanh
Vân phát ngôn trong buổi ra mắt phim mới đây: “Mang phim Việt ra nước
ngoài”.
Bối cảnh và cột mốc thời gian chỉ có tính minh họa
Cô Ba Sài Gòn mở đầu bằng một đoạn phim tư liệu lấy cột mốc
Sài Gòn năm 1969 và đó dường như là “cảnh ngoại” duy nhất của cột mốc
này. Tất cả thời lượng của thành phố Sài Gòn năm 1969 (chiếm khoảng 1/3
phim) chỉ diễn ra trong bối cảnh nội.
Bối cảnh Sài Gòn năm 1969 rất mờ nhạt trong Cô Ba Sài Gòn. Tất cả thời lượng "Sài Gòn 1969" chỉ là những cảnh quay trong nhà. |
“Sài Gòn 1969” trong phim chỉ tập trung vào cuộc mâu thuẫn giữa bà
Thanh Mai (Ngô Thanh Vân), chủ tiệm may áo dài Thanh Nữ có truyền thống
9 đời, và cô con gái Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), một “cô Ba” chảnh
chọe muốn thoát khỏi truyền thống gia đình để thiết kế và may Âu phục
đang thịnh hành.
Phim chọn một bối cảnh và cột mốc thời gian cụ thể nhưng khán giả
không hề thấy được dấu ấn của thời đại đó và không gian đó. Hai đạo diễn
và nhóm biên kịch trẻ đã bỏ qua cơ hội ghi bàn khi không tái hiện một
thời điểm lịch sử đầy biến động và có tác động đến việc xây dựng nhận
thức, quan điểm sống của nhân vật.
Ở đây, tất nhiên ta không đòi hỏi một bộ phim giải trí phải tái hiện
lại cuộc chiến tranh. Nhưng cũng khó châm chước chuyện đạo diễn phớt lờ
tính quan trọng của thời điểm và bối cảnh khi đã đưa nó vào phim để rồi
chỉ minh họa không hơn không kém.
Hãy thử tưởng tượng, nếu biên kịch và đạo diễn dám thử thách, đi xa
hơn để mô tả thời cuộc tác động đến sự lựa chọn, phong cách sống của
nhân vật thì họ hẳn đã có một đời sống khác hẳn trên phim, thay vì phải
gồng lên để diễn vì không biết bám vào đâu để mô tả cuộc đối đầu giữa
truyền thống và hiện đại, giữa bảo thủ và tân tiến, giữa cũ và mới.
Có thể phim chỉ cần một hai cảnh nhắc đến chiến tranh, di ảnh của
người chồng, người cha vì chết trận, sự thăng trầm của một nhà may gia
đình tác động đến lối hành xử nghiêm khắc của bà mẹ, lối sống hiện đại
của phương Tây tác động đến phong cách của cô con gái chán ghét truyền
thống, căm ghét áo dài...
Khi đó, Cô Ba Sài Gòn sẽ tải được cái bối cảnh, thời gian và
cũng mở rộng đất diễn cho nhân vật, tạo sự thuyết phục về tâm lý nhân
vật và thổi bùng được xung khắc về ý thức hệ giữa hai mẹ con.
Trong Cô Ba Sài Gòn, những tác động của thời cuộc đến nhân
vật Như Ý dường như chỉ hiện hữu ở bề mặt (xu hướng thời trang) mà thiếu
những chiều sâu cảm xúc. Do đó, Như Ý trong phần đầu của phim trở thành
một con rối bị giật dây.
Tác động của thời cuộc đối với Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) chỉ hời hợt ở bề mặt. |
Cô không có một đời sống riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển tâm
lý. Cả người mẹ lẫn cô con gái xuất hiện trên phim đều phải gồng mình,
căng cứng để bảo vệ cho sự lựa chọn hay quan điểm của mình. Xung đột
giữa hai mẹ con vì thế mà rơi vào giả tạo, thiếu hẳn sức thuyết phục.
Người mẹ cứ ra sức rao giảng, cô con gái vật vã chống đối và hai từ
“áo dài, áo dài” cứ lặp đi lặp lại để minh họa một cách lộ liễu cho chủ
đề mà Cô Ba Sài Gòn bám vào. Cao trào của phần đầu kết thúc bằng một cú tát nảy lửa và cô con gái bước vào hành trình xuyên không.
Khi nữ quyền trở thành… Tây Lương nữ quốc
Một điểm yếu khác khiến Cô Ba Sài Gòn thiếu hẳn sự tự nhiên,
chất đời và sự mềm mại nữ tính là quá đề cao nữ quyền - cho dù là ở
nghĩa ngầm ẩn. Bộ phim không đi xa hơn một tác phẩm giải trí, không vượt
thoát khỏi cái chất “chick-flick” (phim dành cho phụ nữ) nhưng lại quá
đề cao nữ quyền mà triệt tiêu sự lãng mạn cần có của thể loại này.
Cô Ba Sài Gòn như một... Tây Lương nữ quốc, nơi đàn ông
không tồn tại hoặc chỉ đóng vai trò thứ yếu, không có trọng lượng, không
tiếng nói. Ta không hiểu tại sao mà bà Thanh Mai quyền quý, cô con gái
Như Ý kiêu kỳ chảnh chọe của Sài Gòn năm 1969, bà cô An Khánh (Hồng Vân)
năm 2017, bà mẹ Thanh Loan (Diễm My 6X) và cô con gái quyền lực Helen
(Diễm My 9X) đều không có bóng dáng của gã đàn ông nào bên cạnh họ.
Cứ như các quý bà chỉ cần hít khí giời để sinh con và cuộc sống của
họ chỉ có một mục đích duy nhất là thành đạt trong cuộc sống. Yếu tố gia
đình mờ nhạt và các mối quan hệ tình cảm lỏng lẻo cũng là một điểm yếu
khiến bộ phim thiếu hẳn sức nặng của cảm xúc. Việc triệt tiêu sự lãng
mạn để đề cao nữ quyền khiến bộ phim một lần nữa rơi vào sự duy ý chí
của các tác giả.
Cô Ba Sài Gòn thừa nữ quyền nhưng lại thiếu đi nữ tính. |
Có câu danh ngôn khuyết danh thế này: “Người đàn bà đẹp đạt được
thành công dễ dàng hơn người đàn bà thông minh. Chỉ đơn giản là những
người đàn ông mù thì ít, bù lại những người đàn ông ngốc nghếch lại quá
nhiều”.
Với Cô Ba Sài Gòn, tôi muốn sửa lại thành: “Người đàn bà
thông minh đạt được thành công dễ dàng hơn đàn bà đẹp. Chỉ đơn giản là
những người đàn ông ngốc nghếch thì ít, bù lại những người đàn ông mù
(hoặc không tồn tại) lại quá nhiều”.
Nhưng một người đàn bà thành đạt lại sống cạnh một gã đàn ông mù hoặc
thậm chí không tồn tại, thì sự thành đạt ấy còn có ý nghĩa gì? Cô Ba Sài Gòn thừa nữ quyền mà thiếu nữ tính là vì vậy.
Khi áo dài chỉ là câu chuyện của một tiệm may
Cô Ba Sài Gòn cũng có những điểm sáng đáng kể. Nhân vật có
vai trò quan trọng nhất nâng đỡ bộ phim là phiên bản của nhân vật chính
thuộc về tương lai giả lập. An Khánh, qua diễn xuất của Hồng Vân, là
nhân vật duy nhất trong phim có một đời sống tự nhiên, thoát ra khỏi mọi
khuôn mẫu, công thức mà các nhân vật khác bị đóng khung.
Lối diễn xuất sinh động mà không cần phải khoa trương của Hồng Vân
biến bà cô già An Khánh trở thành một nhân vật “loser” (kẻ thất bại)
duyên dáng và thú vị nhất của Cô Ba Sài Gòn. Đồng thời An Khánh
cũng giúp bộ phim phần nào thoát khỏi sự xơ cứng vì lăm lăm đuổi theo
nữ quyền. Một nhân vật có đời sống riêng là vậy, họ luôn vượt thoát mọi
công thức, mọi sơ đồ, mọi hình mẫu hay sự duy ý chí của tác giả để từ
trên phim bước ra đời sống.
Nhưng một mình Hồng Vân không đủ sức để lật ngược lại được tình thế. Trong thời lượng hơn nửa sau của bộ phim, Cô Ba Sài Gòn
tiếp tục rơi từ một sự minh họa này đến một cuộc minh họa khác. Cuộc
đối đầu giữa hai mẹ con Thanh Mai - Như Ý được thay thế bằng cuộc đối
đầu giữa Như Ý và Helen (Diễm My 9X). Cuộc xung đột giữa áo dài - Âu
phục được thay thế bằng Âu phục - áo dài.
Hồng Vân (phải) là điểm sáng lớn nhất của Cô Ba Sài Gòn với vai diễn sống động, duyên dáng. |
Các nhân vật vẫn tiếp tục rao giảng hoặc trả bài. Những màn đối đáp
của nhân vật Helen về nhãn hiệu cao cấp của thế giới như một phô trương
về kiến thức thời trang, mái tóc giả của cô như được “phạt” bằng máy
chém và lối diễn thể hiện quyền lực bắt chước Meryl Streep trong The Devil Wears Prada là một màn sao chép vụng về.
Nếu Diễm My bắt chước Meryl Streep trong cảnh giới thiệu nhân vật thì
Ninh Dương Lan Ngọc “sao y bản chính” Anne Hathaway trong một đoạn phim
với lối cắt dựng tỉnh lược để giới thiệu sự thay đổi thời trang của
nhân vật trong các cảnh nối tiếp nhau.
Chuyện không còn mới nhưng chưa bao giờ cũ, các đạo diễn trẻ Việt Nam
hãy dũng cảm phá bỏ những cảnh phim được gọi âu yếm là “tri ân” nhưng
thực ra là copy, sao y bản chính lộ liễu như vậy. Việc “lập lờ đánh lận
con đen” chỉ làm cho sản phẩm sáng tạo của họ mang tính lai căng mà
thiếu hẳn những dấu ấn cá nhân, không thể hiện được tận cùng bản sắc
riêng của mình.
Cô Ba Sài Gòn là một bộ phim dễ xem, vui vẻ nhờ yếu tố hình
thức, nhờ ý tưởng khá mới mẻ nhưng thành quả cuối cùng chỉ là một bộ
phim thời trang khá hời hợt minh họa cho nữ quyền. Áo dài - “nhân vật”
xuyên suốt bộ phim - có hẳn một bài diễn văn cuối phim nhưng vẫn chỉ
dừng lại ở câu chuyện thăng trầm của một nhà may, không thấy “truyền
thống”, không thấy “dân tộc”.
Cô Ba Sài Gòn có thể mua vui được một vài trống canh, nhưng đi xa hơn thì khó lắm.
Link tải miễn phí:
0 comments:
Đăng nhận xét